Golf Nhật Bản qua lăng kính Japan Golf Fair 2017

Lượt xem: 16203


Những thay đổi đáng kể sau hơn 50 năm tổ chức, cùng sự vắng mặt của nhiều thương hiệu tên tuổi tại hội chợ golf lớn thứ hai thế giới - Japan Golf Fair 2017, đã đem đến những cảm xúc khác lạ cho khách tham quan. Đó chỉ là một hiện tượng hay xu thế chung của ngành công nghiệp golf trong thời điểm hiện nay? Bài viết dưới đây sẽ là một góc nhìn rõ nét về thị trường golf cũng như con người Nhật Bản qua cảm nhận của doanh nhân Phạm Thắng (CEO của HS Golf), người đã có mối "lương duyên" sâu đậm với nền công nghiệp Golf ở xứ sở hoa anh đào này.

 

 

NÉT KHÁC LẠ SAU NỬA THẾ KỶ

Đã có đôi chút ngạc nhiên, xen lẫn ngỡ ngàng đối với nhiều khách tham quan khi Japan Golf Fair 2017 - hội chợ golf lớn thứ hai thế giới đã không có sự góp mặt của nhiều thương hiệu lớn. Một sự tụt hậu của golf Nhật Bản chăng? Hay là chỉ báo về những dấu hiệu bên ở kia sườn dốc của thị trường golf đã quá mùa hái quả.

Cách đây gần một thập kỉ, khi mới bước chân vào ngành kinh doanh golf còn non trẻ tại Việt Nam, tôi đã ấp ủ trong mình một hoài bão phát triển một hệ thống phân phối đồ golf cao cấp, có quy mô hàng đầu thị trường Việt Nam.

 


May mắn thay, nhân duyên đã đưa tôi đến với Kamui, một thương hiệu golf thuần Nhật. Ý định sẽ bắt đầu những bước kinh doanh đầu tiên tại thị trường nước ngoài tại đây, nhưng thế hệ đi trước – bác Chu Jo – Chủ sở hữu thương hiệu Kamui Pro – cho rằng, đây vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp cho một thị trường vẫn còn khá nhỏ như Việt Nam khởi động một hành trình dài với Nhật Bản. Ông đã làm cầu nối cho tôi đến với thị trường Thái Lan và đây cũng là lúc tôi bắt đầu thực hiện hoài bão của mình.

Phần lớn các hoạt động nhập khẩu và phân phối thiết bị từ thị trường này đều được hỗ trợ từ cộng sự của ông, Mr. Sithichai – giáo sư, tiến sĩ tại trường Đại học Bangkok, Thái Lan sau này cũng là người Bạn, đối tác và người thầy đáng kính của tôi. Ông dạy cho tôi nhiều thứ, từ sự quan sát, cách tư duy đến sự phán đoán.

Vài năm sau, tôi đã tích lũy cho mình không ít những kinh nghiệm quý báu. Nhưng những người tài giỏi thường gặp nhiều sóng gió. Trong một lần ra sân golf Windmill, ông Sithichai đã bị đột quỵ rồi qua đời. Tôi vẫn nhớ, ông còn giữ của tôi một cái hẹn dang dở với huyền thoại Seve Ballesteros, golfer số 1 thế giới từ 1970-1990 (qua đời tháng 5/2011) để bàn về những câu chuyện kinh doanh. Thật đáng tiếc. Đam mê đã đi theo cả một đời người như thế.

Trải qua nhiều thăng trầm, tôi đã tích lũy được cho mình một số kiến thức nhất định và kiến tạo một hệ thống phân phối đồ golf có quy mô khá lớn, trải dài khắp đất nước. Lúc này, tương tự những doanh nghiệp đã đến thời trưởng thành, HS Golf đứng trước lựa chọn phải có được một hướng đi mới, bền vững hơn. Suy nghĩ ấy đã đưa tôi quay lại với một đất nước mà con người và nền công nghiệp golf đủ sức hấp dẫn và truyền sức mạnh cho tôi phát triển hệ thống này, đó chính là Nhật Bản.

Ngay lập tức tôi bắt tay vào thực hiện kế hoạch mang tính bước ngoặt. Tìm hiểu kỹ lưỡng về các đối tác, các mặt hàng cũng như tiếp thu kinh nghiệm từ những người đi trước, tôi bắt đầu lặn lội sang Nhật nhiều lần tìm kiếm thị trường, đối tác. Được sự giới thiệu của một doanh nhân người Nhật, trải qua các dự án kinh doanh, tôi đã dần nhận được sự tin tưởng từ phía bạn hàng, thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp kinh doanh đồ golf đến từ xứ sở hoa anh đào.

Trong quá trình ấy, tôi không bỏ lỡ các cơ hội tham gia những sự kiện quan trọng của ngành công nghiệp golf tại nước này, mà nổi bật là Japan Golf Fair.

Doanh nhân Phạm Thắng (CEO của HS Golf) và ông Hiro Honma - nhà thiết kế và người sáng lập hãng Honma (ảnh chụp tại gia đình)

Đây là sự kiện thường niên lâu đời của ngành công nghiệp golf Nhật Bản được tổ chức liên tục trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Về tầm vóc, đây là hội chợ golf lớn nhất châu Á, lớn thứ hai thế giới, chỉ sau PGA Show tại Orlando, Mỹ. Sự kiện là dịp để các công ty kinh doanh golf hàng đầu thế giới có cơ hội phô bày các sản phẩm và công nghệ mới, định hướng thị trường cho một mùa kinh doanh mới cũng như củng cố các mối quan hệ với các đối tác.

Nhớ lại sự kiện Japan Golf Fair 6 năm về trước, khi lần đầu tiên tôi bắt đầu đặt chân lên xứ sở hoa anh đào với cương vị là một chủ đầu tư của một thương hiệu golf tại Việt Nam (HS Golf), tôi thực sự cảm thấy xúc động. Đến nay, dù đã có dịp đến nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, thế nhưng mỗi lần trở lại nước Nhật, tôi lại cảm thấy như được trở về nhà bởi sự đón tiếp nồng nhiệt, ấm áp như người thân trong gia đình của các bạn hàng, đối tác truyền thống, cả bởi không khí golf đầy sôi động và cuốn hút ở đây.

 


Điều đặc biệt là hơn nửa thế kỷ qua, sự kiện luôn diễn ra tại thủ đô Tokyo. Tuy nhiên, kể từ năm nay, Japan Golf Fair lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố cảng sôi động Yokohama và thời gian tổ chức cũng được lùi lại vào trung tuần tháng 3, thay vì tháng 2 như thông lệ. Cùng với đó là những biến đổi về quy mô và cách bài trí các gian hàng. Hai khu triển lãm gồm các khu trưng bày được chia thành nhiều gian nhỏ và trang hoàng một cách tỉ mỉ, đem lại cái nhìn ngăn nắp và đầy chuyên nghiệp của nền công nghiệp golf thứ hai thế giới.

 

JAPAN GOLF FAIR 2017 

* THỜI GIAN: 24-26/3/2017

* ĐỊA ĐIỂM: Trung tâm triển lãm quốc tế: Pacifico Yokohama
* ĐƠN VỊ TỔ CHỨC: Hiệp hội các Nhà sản xuất Golf Nhật Bản
* QUI MÔ: Lớn nhất châu Á, thứ 2 thế giới
* LỊCH SỬ: 51 năm
* SỐ NGƯỜI THAM DỰ: 56.163 lượt (trong đó có 669 nhà báo trên toàn cầu)
* TẦM VÓC: Thể hiện sự đa dạng của các các thương hiệu Nhật Bản và các công ty lớn trên thế giới.
* LĨNH VỰC TRIỂN LÃM: sản phẩm, thiết bị golf, công nghệ, y tế, sức khỏe, lữ hành, truyền thông, dịch vụ, đào tạo….
* TỔNG SỐ GIAN HÀNG: 533
* TỔNG SỐ ĐƠN VỊ TRIỂN LÃM: 200 (tăng thêm 18 đơn vị so với năm 2016)


Sau 6 năm sau, Japan Golf Fair đã không còn giữ được những nét “truyền thống” cũ: sự thanh tao, nhộn nhịp nhưng vô cùng ngăn nắp ở Hội chợ đã bị thay thế bởi những gian hàng ăn náo nhiệt, ồn ã, số lượng các công ty có gian hàng triển lãm đã bị thu hẹp hoặc gộp chung với một thương hiệu khác.

 


Phải chăng đây có phải là một dấu hiệu của bức tranh “màu xám” đối với thị trường golf Nhật? Điều này không hẳn đúng. Bằng kinh nghiệm và cảm nhận sâu sắc, tôi lại cho rằng, đây là chiến lược của các nhà đầu tư với nhiều chủ đích kèm theo. Bên cạnh việc hợp lý hóa chi phí và tạo thêm không gian vănhóa cho du khách tham gia triển lãm, thời gian diễn ra hội chợ cũng là một chủ ý của Ban tổ chức. Hội chợ năm nay diễn ra muộn hơn so với các năm trước khoảng 1 tháng, nhằm mục đích thu hút du khách nhiều hơn vào đúng thời điểm bắt đầu mùa du lịch của Nhật Bản vốn nổi tiếng với các tour tham quan ngắm hoa anh đào nở.

 

ẢNH HƯỞNG TỪ XU THẾ CHUNG

Trong những năm gần đây, cũng phải thừa nhận rằng ngành công nghiệp golf Nhật Bản nói riêng và tình hình chung của ngành golf thế giới đều khoác trên mình một màu sắc ảm đạm.

Sự ra đi của hàng loạt những thương hiệu golf tên tuổi như Nike và Adidas và việc chấm dứt hợp đồng làm đại sứ thương hiệu của những tay golf hàng đầu thế giới là một trong những hệ lụy của tình trạng thu nhỏ qui mô thời kì công nghệ hóa. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến mảng phân phối đồ golf nói riêng mà còn tác động đến cả ngành công nghiệp golf nói chung. Tại hàng loạt những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, hay thậm chí là quê hương của golf như Scotland cũng đều gặp phải tình trạng tăng trưởng chậm.

Ngược lại, dường như những biến động của ngành golf thế giới diễn ra độc lập với ngành golf Việt Nam – một thị trường mới nổi, nhưng đầy tiềm năng. Giống như những con sóng đang đi đến đỉnh hay xuống đáy, trong khi số lượng người chơi golf trên thế giới đang sụt giảm thì con số này ở Việt Nam lại đều đặn đi lên. Không lấy gì làm lạ khi một thị trường mới nổi đang lan tỏa đi sức mạnh tiềm năng vốn có của nó.

Nhìn ở khía cạnh xã hội, có lẽ sức hấp dẫn môn golf một thời đã không còn phù hợp với lối sống nhanh, hiện đại ngày nay. Môn thể thao đẳng cấp này từng nổi tiếng với sự bình tĩnh, nhẫn nại, tập trung cũng như sự tính toán trong từng đường bóng.

Thêm vào đó, mấy năm trở lại đây, thị trường golf Nhật Bản đã biến tướng và không còn giữ được một cơ cấu độ tuổi chơi golf hoàn hảo. Giới trẻ đã không còn hứng thú với golf, một phần do dân số Nhật đang già hóa và không có dấu hiệu gia tăng, một phần do công nghệ các trò chơi điện tử ngày càng sắc xảo và thông minh đã dần lấn sân những game chơi truyền thống. Đây cũng là lý do vì sao các sân golf ở Nhật đang bị cắt giảm và chuyển hóa thành nhiều mô hình khác.


BẢN SẮC ĐỘC ĐÁO CỦA CÔNG NGHIỆP GOLF NHẬT

Là đối tác với người Nhật nhiều năm, tôi hiểu về con người Nhật. Họ luôn có niềm tin, luôn say mê trong công việc và hướng đến sự phát triển bền vững. Chính tính cách trung thành, tỉ mỉ, cẩn thận đã làm nên những thành công nhất định như bây giờ không chỉ trong golf mà còn đối với nhiều lĩnh vực khác.

Golf Fashion Show, một hoạt động thu hút sự quan tâm của khán giả tại sự kiện


Như tôi được biết, người Nhật rất giỏi về ngành cơ khí chế tạo, họ bước vào lĩnh vực golf với một lợi thế riêng mà không mấy quốc gia nào có được. Đặc biệt, số lượng lớn các thợ rèn kiếm thủ công lành nghề cũng dần chuyển sang ngành golf khiến cho ngành sản xuất gậy golf ở đây luôn mang một bản sắc độc đáo.

 

Những chiếc gậy Golf Nhật Bản đều là những sản phẩm chất lượng cao cấp nhất, chi phí đắt đỏ nhất và chỉ sản xuất một số lượng nhất định, hầu hết các thương hiệu thời trang và golf Nhật đều nhắm đến sự phát triển bền vững mà không hướng đến xu hướng toàn cầu hóa.


Những chiếc gậy golf Nhật Bản đều là những sản phẩm chất lượng cao cấp nhất, chi phí đắt đỏ nhất. Có những hãng gậy và một số cây gậy chỉ được sản xuất với một số lượng nhất định. Hầu hết các thương hiệu golf Nhật đều nhắm đến sự phát triển bền vững mà không hướng đến xu thế toàn cầu hóa. Điều này có nghĩa là, họ không nhất thiết phải trải dài các hệ thống đại lý và cửa hàng đại diện tại nhiều quốc gia như Mỹ đã từng làm với Nike. Golf là một ngành công nghiệp đặc biệt hướng đến một đối tượng hẹp những người tiêu dùng nên việc lựa chọn chiến lược phát triển quy mô là trọng yếu. Bridgestone và Mizuno đều đã xuống dốc nhanh chóng vì cố “chen” chân vào chuỗi golf toàn cầu.

 


Tin rằng, với một bản sắc độc đáo, và sự định vị một cách rất chủ động, ngành golf Nhật sẽ luôn phát triển bền vững theo một cách riêng của họ, dựa trên nền tảng sự thông minh và trung thành bền bỉ.

Cảm nhận ở thị trường golf Nhật Bản cho thấy những gợi ý, định hướng rất quyết đoán và tinh tế, điều đã giúp họ luôn khẳng định mảng màu lớn trong bức tranh thị trường golf thế giới. Mỗi một quốc gia, cho đến một doanh nghiệp kinh doanh golf đều cần lựa chọn cho mình chiến lược riêng để phát triển và nắm bắt xu thế.

Trong một thị trường chưa lúc nào hết nóng, hy vọng rằng tất cả những người kinh doanh thiết bị golf sẽ luôn “vững tay chèo” để đưa con thuyền của mình cập những bến cảng xa hơn, tạo thêm nhiều lợi ích cho các golfer, tạo ra nhiều giá trị cho ngành công nghiệp thể thao này.
 

Tag: Golf Nhật Bản Japan Golf Fair 2017 ngành Golf thiết bị golf dụng cụ golf prgr hs golf chervo

Tin tức liên quan

Tôn Đức Sáu: Từ thầy giáo tận tâm, đến người lãnh đạo dẫn dắt VG Corp

Tôn Đức Sáu: Từ thầy giáo tận tâm, đến người lãnh đạo dẫn dắt VG Corp

    21/11/2024

Ông Tôn Đức Sáu - người thầy không chỉ mang trong mình kho tàng tri thức mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ. Từ một ...

Những Điều Không Nên Nói Với Bạn Chơi Trên Sân Golf

Những Điều Không Nên Nói Với Bạn Chơi Trên Sân Golf

    20/11/2024

Có những lời nói trên sân golf không chỉ gây khó chịu mà đôi khi còn vi phạm quy tắc thi đấu. Dưới đây là những điều bạn nên tránh ...

5 Cách Giúp Cải Thiện Điểm Golf Mà Không Cần Thay Đổi Cú Swing

5 Cách Giúp Cải Thiện Điểm Golf Mà Không Cần Thay Đổi Cú Swing

    14/11/2024

Nhà báo chơi golf nổi tiếng Genelle Aldred đã chia sẻ trên tạp chí Golf Monthly rằng cô luôn cảm thấy tò mò về cách giảm điểm số mà không ...

Tin xem nhiều

Chervo tiên phong thời trang golf cao cấp

6639356 lượt xem

07/04/2022

ảnh
ảnh
ảnh
ảnh
ảnh
ảnh
ảnh
ảnh
ảnh
ảnh
ảnh
ảnh