Các Tour pro thay đổi gậy như thế nào?
Nhà cựu vô địch Masters 2011, Charl Schwartzel đã gây bất ngờ đối với làng golf nhà nghề thế giới khi quyết định sử dụng bộ gậy mới mang thương hiệu Parsons Xtreme Golf (PXG) thay vì Nike ngay trước thềm giải major thứ 3 trong năm, The Open 2016.
Charl Schwartzel thay "bạn" giữa mùa giải PGA Tour 2016
Tay golf người Nam Phi từ lâu đã là một trong những đại sứ thương hiệu của Nike (bắt đầu từ năm 2008). Những thành công trong quá khứ của Charl Schwartzel với 14 chiến thắng tại PGA Tours, bao gồm cả chiến thắng gần nhất của anh tại Valspar Championship luôn gắn liền với hình ảnh của Nike.
Nhưng thông tin về việc Charl Schwartzel thay đổi nhà tài trợ chỉ được báo chí biết đến sau khi nhà sáng lập của PXG, Bob Parson thông báo trên mạng xã hội. Theo PGA Tour News, Schwartzel đã đồng ý ký với công ty ra đời vào năm 2014 này một bản hợp đồng có giá trị nhiều triệu USD trong nhiều năm.
Charl Schwartzel vô địch The Masters 2011 với gậy Nike
Như vậy, Schwartzel đã trở thành đại sứ thương hiệu mới nhất của hãng PXG, tiếp sau nhà vô địch The Open 2015, Zach Johnson, cựu vô địch FedEx Cup Billy Horschel và James Hahn, người chiến thắng tại Wells Fargo Championship, nhà tân vô địch US.Open’s Woman, Brittany Lang cùng hơn 10 tay golf đang thi đấu tại cả PGA Tour và LPGA.
Trường hợp của Schwartzel có phần nào đó giống với golf thủ trẻ Patrick Reed cách nay 3 năm.
Tại mùa giải năm 2013, tay golf trẻ Patrick Reed đã quyết định chuyển từ gậy Nike sang Callaway tại giải AT&T với hi vọng giúp cải thiện thứ hạng của mình.
Kể từ khi đổi gậy từ Nike sang Callaway, golfer trẻ Patrick Reed đã gặt hái một số thành công
Quyết định của Reed đã khiến cho tổng doanh thu bán gậy của Callaway thay đổi một cách tích cực vào thời điểm quan trọng của mùa giải. Reed không phải là đại sứ thương hiệu nổi bật của Callaway vào thời điểm đó. Nhưng, nhờ sự thay đổi này, tên tuổi của Reed đã bắt đầu nổi tiếng vào cuối mùa giải, đặc biệt sau khi anh đánh bại Jordan Spieth tại vòng play-off của giải Wyndham Championship.
Ngược lại, Charl Schwartzel là một tên tuổi lớn tại PGA Tour kể từ khi anh vô địch Masters 2011. Trong vòng 9 tháng (tính đến thời điểm trước The Open 2016), tay golf người Nam Phi này đã có tới 3 chiến thắng và nằm trong Top 25 tại 5 giải đấu gần đây nhất.
Mỗi hãng một tuyệt chiêu
Bộ gậy siêu giá trị Macgregor của Curtis Strange, nhà vô địch US.Open 1987 và 1988
Nhìn vào danh sách các nhà tài trợ dụng cụ tại PGA Tour cho thấy, Titleist vẫn là cái tên dẫn đầu trong nhiều năm qua. Lý do bởi thương hiệu này khá phổ biến, dễ tiếp cận, do đó, rất nhiều golfer khi bắt đầu chuyển sang thi đấu nhà nghề đã sử dụng gậy Titleist.
Một số golfer sau khi có được danh tiếng, lần lượt được các hãng gậy đánh tiếng mời làm đại diện của mình. Trong khi đó, Titleist đã không bao giờ bị cuốn vào một cuộc chiến đấu giá để giữ chân golfer.
Golfer Tây Ban Nha Sergio Garcia năm 2001 mặc áo adidas, đánh gậy và đội mũ Titleist
Mô hình kinh doanh của Titleist dựa nhiều vào uy tín của các sản phẩm của họ hơn là dựa vào những tên tuổi lớn, những ngôi sao như Tiger Woods, Rory McIlroy….
Điển hình như Sergio Garcia, ban đầu, golfer người Tây Ban Nha đã chơi tốt với gậy Titleist. Nhưng anh đã rời bỏ Titleist để đến với adidas dù vẫn còn 2 năm hợp đồng với Titleist, điều đó đã dẫn đến một sự xung đột: Segio ký hợp đồng với adidas- công ty mẹ của TaylorMade nhưng trong điều khoản qui định, anh vẫn được phép dùng gậy của Titleist nhưng phải đội mũ hiệu adidas.
Sergio Garcia tại giải Ericsson Masters 2001. Anh hiện là đại diện của adidas-TaylorMade suốt hơn 10 năm qua
Rốt cuộc, cả hai công ty yêu cầu, Sergio phải có một sự lựa chọn duy nhất. Và cuối cùng như chúng ta đã biết, Sergio đã trở thành đại diện thương hiệu của TaylorMade đến tận ngày nay.
Tiền bạc thậm chí là một nhân tố quyết định đối với những người không thể tìm được bản hợp đồng lên tới 7 con số.
Vào tháng 9/2002, hãng Callaway đưa ra một đề nghị khá hấp dẫn cho những đối tượng này: Bất kỳ tay golf nhà nghề nào cũng sẽ nhận được 3.000 USD/tuần nếu như họ chấp nhận đánh gậy Great Big Bertha II, dòng gậy driver mới nhất của hãng lúc đó. Phần thưởng này được gọi là "tee-up" money, là một “mưu đồ” phổ biến của những công ty đang muốn tăng cường sự hiện diện của mình tại Tour.
Các hãng gậy của Nhật Bản luôn có những chiến lược riêng trong việc phát triển thương hiệu
Và điều này đã mang lại hiệu quả. Trong 3 tuần sau đó, có tới 59 golfer sử dụng gậy driver mới của Callaway tại PGA Tour. Callaway đã buộc một số đối thủ, trong đó có TaylorMade phải điều chỉnh chính sách trước khi tung ra dòng gậy driver R 500 Series.
“Một số như những gái điếm vậy”, ông Mata, một chuyên gia của Titleist cho biết. “Họ sẵn sàng đánh gậy driver mới để kiếm vài nghìn USD mỗi tuần. Tôi biết vài trường hợp, họ cảm thấy xấu hổ nhưng không muốn bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền theo cách này: đăng ký nhận tiền, chơi một hố với gậy driver mới, sau đó, lặng lẽ bỏ lại.”
Mỗi hãng gậy lại có một tuyệt chiêu...
Nếu tất cả điều này nghe có vẻ khó lọt tai, hãy nhớ rằng, đây này là một kế hoạch kinh doanh. Và trong khi cả hai phía - công ty và golf thủ đang cùng nhau đi đến một thỏa thuận (trao đổi tiền bạc) về việc golfer đó đánh gậy sắt hoặc gậy gỗ, golf thủ đó cũng biết vận may của họ có thể xoay quanh một chiếc putter đang “hot”. Đó là lý do tại sao trung bình cứ 4 người thì có 1 người thay đổi gậy putt mỗi tuần.
Vào mỗi chiều thứ 4 (kết thúc vòng đấu tập cuối cùng trước khi bước vào vòng chính thức hôm sau), nơi nhộn nhịp nhất ở mỗi giải đấu tại Tour chính là khu vực luyện tập putt. Tại đây thường có từ 10 công ty trở lên luôn chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các cây gậy putt của họ để các golfer thoải mái lựa chọn trong thời điểm gọi là “Happy Hour”
Thuật ngữ này có thể được áp dụng đối với toàn bộ “đồ nghề” trong quá trình một golfer tìm kiếm “bạn thân” của mình trong đám đông rộng lớn, đôi khi họ phải thực hiện cả một sự “pha trộn” để mong muốn có được những trận đấu như ý.
Chăm bẵm “cao thủ”
“Làm thế nào để tôi có thể cải thiện được thành tích của Tiger Woods" Đó là nhiệm vụ khó khăn đối với Tom Stites, giám đốc sáng tạo sản phẩm của Nike.
Công việc của Stites lúc đó (năm 2001) đó là thực hiện đầy đủ lời hứa của Nike đối với đối tác lớn nhất của họ lúc đó – biến ý tưởng của bộ gậy sắt trở thành các giải thưởng sắp tới của Tiger Woods-golfer số 1 thế giới lúc đó.
Khó khăn hơn nữa vì Woods lúc đó đã thêm vào một điều kiện: “Đừng mong tôi thay đổi nếu nó (gậy Nike) chỉ như những chiếc gậy gần đây (Titleist) mà tôi đang sử dụng.
Làm việc với golfer số 1 thế giới không phải là điều dễ dàng gì. Trong suốt quá trình làm việc với Woods, Stites đưa ra nhiều mẫu gậy sắt mới nhưng dường như, một số trong đó khá giống với nguyên mẫu ban đầu. Woods kiểm tra cẩn thận mỗi chiếc và chỉ ra một lỗi rất nhỏ, rồi sau đó Woods yêu cầu Nike điều chỉnh và phản hồi. Trong nhiều giờ, Stites kiên nhẫn quan sát, lắng nghe, ghi chép…..Vài tuần sau đó ông trở lại với một loạt mẫu gậy sắt khác nhưng gần hơn với mẫu gậy mà Woods đang tìm kiếm. Toàn bộ quá trình này mất tới 18 tháng.
Việc phát triển thương hiệu của Nike Golf luôn dựa vào những tên tuổi lớn
Hầu hết các pro không có nhiều thời gian cũng như sự chú ý lớn khi họ thay gậy. Trong khi đó, sự thay đổi này có thể diễn ra vào bất cứ thời gian nào trong năm. Woods bắt đầu sử dụng bộ gậy sắt mới vào cuối mùa giải – tại giải đấu American Express Championship và giành chiến thắng.
Thường thì các pro bắt đầu quá trình thay đổi gậy chơi vào mùa Thu, khi mà những mẫu sản phẩm mới nhất cho mùa giải tiếp theo bắt đầu xuất hiện trên các khu vực đánh tập tại mỗi giải đấu thuộc PGA Tour. Các pro biết rằng, mục tiêu của các công ty đều như nhau: được càng nhiều người biết đến càng tốt-đặc biệt là những tên tuổi lớn sử dụng gậy của họ.
Những người đó đã không ký hợp đồng (thường liên quan đến bộ gậy sắt và được yêu cầu sử dụng ít nhất 10 cây gậy của nhà tài trợ) trong năm tới là những đối tượng có thể tiếp cận nhiều nhất. Tuy nhiên có quá nhiều sự lựa chọn ở đó, cho nên đại diện các công ty cũng tỏ ra thận trọng với kế hoạch bán hàng của họ. “Bạn phải cho họ thấy sự tôn trọng và phải có sự kiên nhẫn”, một đại diện công ty cho biết. “Nói ít, lắng nghe nhiều để có phương án tiếp cận tốt nhất”.
Những golfer ít tiếng tăm hơn sẽ là con mồi cho các hãng tiếp cận dễ dàng hơn.
Khu vực tập luyện của các pro tại những giải đấu ở PGA Tour luôn cuốn hút các nhà tài trợ
Khi một pro thử gậy mới, hầu hết họ nhận thức rõ về các yếu tố: kiểm soát, cảm nhận và thiết kế và không nhất thiết phải theo thứ tự đó. “Nếu tôi không thấy chiếc gậy đó nổi bật về ngoại hình, tôi sẽ từ bỏ ý định thử nó”, một pro cho biết.
Trong khi đó, có lẽ không phải ai cũng như Woods, một số Tour pro thậm chí còn không bao giờ bước chân vào proshop, đánh thử vài quả bóng và đi ra với một cây gậy.
Thông thường họ sử dụng những cây gậy mới trên những khu vực luyện tập để so sánh về khoảng cách, tốc độ, tính nhất quán và sự cảm nhận. Sau đó họ sẽ chơi một trận thực tế hoặc tại vòng pro-am bởi đánh ở sân to sẽ rất khác biệt với sân tập. Các pro cũng thích thử gậy trong những điều kiện gió khác nhau và từ những vị trí khác nhau trên sân golf.
Phil Mickelson thành công nhất với bộ gậy Callaway
Nếu bộ gậy lọt vào mắt xanh của golf thủ, người đại diện của công ty sẽ đánh giá thông số kỹ thuật của golfer đó, sau đó gửi ít nhất 10 phiên bản khác nhau cho golfer lựa chọn. Hoặc golf thủ đó sẽ được mời tới thăm nhà máy hoặc trung tâm thử nghiệm sản phẩm, nơi anh ta sẽ thử gậy dưới sự đánh giá của các thiết bị công nghệ và một chuyên gia tinh chỉnh gậy.
Khi mùa giải kết thúc sẽ là thời điểm lý tưởng để thực hiện công việc này, một pro sẽ nhận được nhiều sự chú ý từ những nhà tài trợ tương lai. Điều đó cũng có nghĩa khi golfer đó đã trở thành “người nhà” của công ty, họ sẽ nhận được những những mẫu gậy mới nhất của thương hiệu đó.
Mục tiêu cuối cùng đối với cả công ty và golfer, dĩ nhiên, đó là tìm ra những chiếc gậy hoàn hảo nhất. Chọn lựa một cây gậy tốt nhất còn mang nhiều ý nghĩa hơn nếu hình thức ra làm sao, cảm thấy như thế nào và đánh ra sao; đôi khi nhân tố bị gạt ra ngoài là tiền bạc. Nike thậm chí không bán gậy ra thị trường cho đến tận năm 2001 khi họ gia hạn hợp đồng với Tiger Woods - người góp phần gia tăng giá trị thương hiệu Nike Golf sau này.
Một số lý do đổi gậy |
Các tay golf nhà nghề thay đổi gậy với rất nhiều lý do. Một số thử gậy mới để cải thiện thành tích, số khác thay gậy mang tính tạm thời để phù hợp với sân mà họ đang và sẽ thi đấu. Một số sử dụng chỉ một cây gậy của nhà sản xuất bởi vì họ trả tiền cho việc quảng bá sản phẩm. Cũng có những người thay đổi gậy qua thời gian, ví dụ thay thế gậy sắt dài với dòng gậy hybrid. Nhưng không có mẫu cố định hoặc khung thời gian mà trong đó các golfer thi đấu tại PGA Tour thường thay đổi bộ gậy. Các quyết định về việc sử dụng những cây gậy này đều là một sự lựa chọn cá nhân đối với mỗi golfer. Sau khi Nike Golf quyết định không sản xuất gậy golf, sẽ có nhiều đại diện của công ty này chuyển đổi bộ gậy. |
Yếu tố nhà tài trợ |
Những công ty lớn thường chìa ra với golfer bản hợp đồng hậu hĩ mang tính dài hơi nhằm thuyết phục họ sử dụng gậy của mình. Do đó sự thay đổi trong túi gậy của các pro thường diễn ra vào cuối mùa. Tuy nhiên điều khoản của hợp đồng thường quy định, trong túi gậy của mình, golfer có thể không sử dụng đầy đủ dụng cụ của nhà tài trợ. Ví dụ, một số bản hợp đồng, nhà tài trợ có thể chỉ yêu cầu một golfer sử dụng bộ gậy sắt của mình, cho phép golfer tự do sử dụng gậy driver, putter hoặc wedget mà họ yêu thích. |
Thành, bại nhờ…gậy |
• Lee Janzen giành chiến thắng tại US.Open 1993 với bộ gậy Founders Club. Một năm sau ông chuyển sang dùng gậy sắt hiệu Ben Hogan, kết quả là: 1 chiến thắng, 2 lần trong Top 10. Năm 1995 ông dùng gậy sắt hiệu Nicklaus và có được một trong những mùa giải thành công nhất: 3 chiến thắng, 14 lần trong Top 25, kiếm được 1,37 triệu USD tiền thưởng. Năm 1996 ông bắt đầu đánh gậy TaylorMade, kết quả: không có chiến thắng, 7 lần trong Top 10 tại 27 sự kiện, kiếm được 540 nghìn USD tiền thưởng. • Golfer quá cố Payne Stewart chiến thắng đã có 2 chiến thắng tại hai giải major (PGA Championship 1988 và U.S. Open 1991) khi sử dụng gậy sắt hiệu Wilson. Tuy nhiên mùa giải năm 1994 ông chuyển sang gậy hiệu Flite với kết quả là: 2 lần trong Top 10 tại 23 sự kiện và kiếm được chỉ 140 nghìn USD. • Hale Irwin đã có chiến thắng thứ 3 tại US.Open 1993 với gậy Wilson. Mùa giải tiếp sau ông bắt đầu dùng gậy hiệu Cobra với kết quả: 1 chiến thắng, 6 lần trong Top 10 và kiếm được 814 nghìn USD tiền thưởng. • Nick Price bước vào mùa giải năm 1992 với bộ gậy Spalding và không có được thành tích nào cho đến khi chuyển sang gậy hiệu Ram, kết quả là: 2 chiến thắng, 13 lần trong Top 10 và 19 lần trong Top 25, kiếm được 1,13 triệu USD. Năm 1995, ông chuyển sang đánh gậy hiệu Atrigon với kết quả: 5 lần nằm trong Top 10 và nhận tổng cộng 611 nghìn USD. • Khi còn là đại sứ thương hiệu của MacGregor, Curtis Strange đã có 2 chiến thắng liên tiếp tại US.Open 1988 và 1989. Mùa giải 1990, ông sử dụng gậy hiệu Maruman và chỉ 6 lần nằm trong Top 10 tại 20 sự kiện tham dự, kiếm được chỉ 227 nghìn USD. • Graeme McDowell đã có một mùa giải thành công nhất trong sự nghiệp thi đấu vào năm 2010: chiến thắng tại US.Open và Ryder Cup với gậy Callaway. Một năm sau đó anh chỉ 3 lần nằm trong Top 10, bị cắt loại tại 16 sự kiện sau khi chuyển sang gậy Cleveland. • David Duval khi còn là đại diện cho Titleist, ông có 12 lần chiến thắng tại PGA Tour. Năm 2001, lần đầu tiên đại diện cho Nike, ông có ngay chiến thắng tại The Open. 2 năm sau đó, Duval chỉ có 4 lần vượt qua vòng Cắt, thậm chí không lọt vào Top 25 tại 20 sự kiện mà ông tham dự, chỉ kiếm được 85 nghìn USD tiền thưởng. • Trong thời gian đánh gậy Titleist, Rory McIlroy đã có nhiều chiến thắng, trong đó bao gồm 2 giải major cùng vị trí số 1 thế giới. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng với Nike vào tháng 1/2013, Rory mới có được chiến thắng đầu tiên vào cuối năm đó và anh chỉ thực sự trở lại thời kỳ đỉnh cao với mạch chiến thắng trong năm 2014, bao gồm 2 giải major. • Phil Mickelson là tài năng hiếm có, ông có được thành công với bất cứ thương hiệu nào: Yonex từ năm 1992-2000 (16 chiến thắng tại Tour), Titleist từ 2001-2004 (6 chiến thắng, bao gồm 1 giải major đầu tiên) và Callaway từ năm 2004 đến nay (20 chiến thắng, bao gồm 4 giải majors) • Tiger Woods là trường hợp thành công nhất. Bắt đầu chơi golf nhà nghề, Woods đánh gậy Titleist cho đến tận năm 2000, giành tới 4 chiến thắng major. Năm 2002, Woods bắt đầu sử dụng gậy driver và gậy sắt của Nike, đến năm 2010, Woods mới hoàn tất sử dụng bộ gậy Nike với cây gậy putt. Kết quả: 10 chiến thắng major và hàng chục danh hiệu khác… |
Những đại sứ mới của các thương hiệu trong năm 2006 |
* PXG Charl Schwartzel (chuyển từ Nike) Zach Johnson (chuyển từ Titleist) Billy Horschel (PING) Chris Kirk (Callaway) James Hahn (TaylorMade) Charles Howell III (Mizuno) * Nike Brooks Koepka (Titleist) Tony Finau (Callaway) * Callaway Marc Leishman (Titleist) Tom Watson (Adams) Jason Gore (PING) * TaylorMade Gary Woodland (Callaway) Carlos Ortiz (PING) |
Tin tức liên quan
Cách Phối Đồ Golf Mùa Thu Đông Để Giữ Ấm Và Thời Trang Trên Sân
01/11/2024Thời tiết chuyển mùa không chỉ mang lại không khí mát mẻ mà còn là dịp lý tưởng để đổi mới tủ đồ golf của bạn. Dưới đây là những ...
Sân golf Việt lọt top tốt nhất châu Á 2024
31/10/2024Hai sân golf Việt Nam vừa ghi dấu ấn khi giành danh hiệu Sân golf tốt nhất châu Á trong khuôn khổ giải thưởng World Luxury Travel Awards 2024. Hố 7, ...
Giày Golf Royal Albartross từ London – Nâng tầm phong cách và hiệu suất của bạn!
28/10/2024Thương hiệu giày golf cao cấp từ London, ROYAL ALBARTROSS, vốn nổi tiếng với những mẫu giày golf sang trọng không đinh (spikeless), được các golfer châu Âu đánh giá ...