Gặp ca sĩ Bằng Kiều sau một buổi tập luyện Golf miệt mài trên sân. Anh đã có những chia sẻ về niềm cảm hứng đặc biệt với Golf. Mời quý độc giả cùng theo dõi cuộc trò chuyện giữa ca sĩ Bằng Kiều và phóng viên báo GolfPlus.
PV: Cơ duyên nào đưa anh đến với Golf? và điều gì khiến anh ấn tượng nhất ở môn thể thao này?
Tôi cũng mới chơi golf thôi, khoảng gần 2 năm. Tình cờ làm quen và chơi môn này qua một người bạn, mà sau này anh cũng trực tiếp hướng dẫn tôi các kỹ thuật trong golf. Các môn quần vợt, cầu lông, bóng đá mà tôi đã từng chơi đều đòi hỏi sự linh hoạt, phản xạ, di chuyển, phối hợp… còn golf lại cần sự tập trung “tĩnh”, cẩn trọng, có nhiều thời gian để tính toán, cân nhắc, thử gậy… và thật sự tôi thấy golf rất thích hợp với những người đã có tuổi như tôi (cười lớn). Các môn thể thao khác nhau bổ trợ cho nhau, không bắt buộc là đã chơi golf thì sẽ từ bỏ các môn khác mà vẫn có thể duy trì tập luyện các môn cùng một lúc. Môn nào cũng có cái khó, cái hay của nó, mức độ thử thách trong từng môn có thể khác nhau nhưng đều có sự hấp dẫn riêng, golf cũng vậy.
Ca sỹ Bằng Kiều thấy Golf có sự hấp dẫn rất riêng
PV: Nhiều người nói Golf không chỉ là một môn thể thao, anh thấy điều này có đúng với mình?
Đúng vậy. Giá trị mà golf mang lại thật sự rất nhiều. Trước tiên, golf giúp người chơi thoát khỏi những bức xúc và căng thẳng của cuộc sống thường nhật. Bạn có thể đắm chìm vào cuộc chơi golf trong khoảng 4 giờ 30 phút, tận hưởng sự trong lành của thiên nhiên. Bên cạnh đó, tại sân golf, bạn sẽ dễ dàng tìm kiếm và thắt chặt tình bằng hữu. Tôi đã từng chơi golf với những người hoàn toàn xa lạ nhưng rồi chỉ sau 18 hố golf, chúng tôi đã có thể ngồi lại cùng uống một ly thân mật và trở thành bạn bè.
PV: Cảm giác của anh sau mỗi lần chơi golf như thế nào?
Trong giới vẫn có câu ví golf là “ma túy xanh”. Ma tuý nào cũng để lại dư vị hoặc hậu quả. Sau một cuộc chơi golf, người ta không thể dứt ra ngay để làm việc khác mà thường nghĩ về từng đường bóng, từng tình huống để rút kinh nghiệm cho lần sau. Nhưng golf thú vị ở chỗ là bạn hầu như không thể rút kinh nghiệm được vì các tình huống rất đa dạng phong phú đòi hỏi sự cảm nhận (feeling) nhiều hơn là kinh nghiệm (hay feeling như thế nào cũng là một kinh nghiệm?). Và xét về tổng thể, người ta hay thả hồn về những trận đánh thành công chứ ít khi nghiền ngẫm về những thất bại (golf is life!).
PV: Đến bây giờ, trình độ chơi golf của anh được xếp ở thứ hạng nào và anh có thể tự đánh giá về khả năng của mình?
Ồ, “ngoại hạng” luôn! Nghĩa là chưa được xếp ngôi thứ gì. Thực sự thì tôi mới chỉ biết đến golf cách đây không lâu. Bắt đầu từ lời mời của người anh Phạm Viết Thắng – chủ tịch HS Golf VietNam, một người đã có cả chục năm chơi Golf: “Hay lắm, hay không thể tả được” mỗi khi kể về golf. Và sân Golf đầu tiên trong đời tôi được đặt chân tới đã gây ấn tượng mạnh với tôi – một bức tranh thiên nhiên quá đẹp, quá hoàn hảo! Thế là quyết định thuê “thầy Thắng”, theo học và tạm thời được “thầy” cấp chứng chỉ. Giờ ngồi nhớ tới những ngày đầu đi học golf mà cứ như trong mơ: một cánh đồng cỏ xanh rộng bao la, bầu trời xanh ngắt với những cuộn mây trắng lững lờ trôi, và gió, gió mát đến nao lòng… Cứ quật, quật, quật…đến đau tay oằn lưng mà không hề thấy mệt mỏi… và thế là yêu golf đến giờ chẳng muốn dứt ra.
Mỗi lần lên sân Golf với ca sĩ Bằng Kiều đều như lần đầu
PV: Là người mới chơi anh gặp khó khăn gì khi mới tiếp cận với môn thể thao này (về luật, chọn dụng cụ, thời gian, khả năng tài chính…) và anh đã giải quyết chúng thế nào?
Khó khăn với golf thì cũng khá nhiều. Về luật thì cũng không nhiều người rành rẽ. Có thể nói golf là môn thể thao có bộ luật phức tạp nhất thế giới! Đa số rất hăm hở nói về đường xuynh, cú gạt nhưng ít ai bàn luận về hành vi vi phạm luật hoặc tranh luận về cách xử lý một tình huống gây tranh cãi. Một trong những nguyên nhân là hầu như không có sách luật bằng tiếng Việt…Về kỹ thuật, Golf có nhiều kỹ thuật khá khó, những lần đầu ra sân chủ yếu tôi đánh vào bụi rậm và cát. Để có thể thành thục, môn này đòi hỏi người chơi phải tập luyện thường xuyên. Về thời gian, chơi golf phải có bạn, phải khớp được thời gian với nhau. Về tài chính, chơi golf ở Việt Nam hiện tại chưa phải là mức bình dân để mọi người có thể tiếp cận với môn này. Về lựa chọn dụng cụ thích hợp, thì tôi nhờ người có chuyên môn giúp. Rất may, ông “thầy Thắng” của tôi thì thuộc hạng chuyên gia rồi.
PV: Thành tích tốt nhất ở bộ môn này anh từng đạt được là gì? điều đó khích lệ anh ra sao trong tập luyện?
Đó là pha ghi điểm Hole Out mang về Eagle ở khoảng cách 125 Yards trên sân Ngôi Sao Yên Bái. Hồi đó tôi cũng mới chơi thôi, kỹ thuật còn kém hơn bây giờ rất nhiều. Điểm Eagle vừa là may mắn nhưng cũng chính là phần thưởng bất ngờ mà Golf mang lại. Nên đây là động lực cho tôi để tập luyện và tiến bộ mỗi ngày.
Ca sĩ Bằng Kiều hào hứng “khoe chiến tích” trên sân Golf
PV: Trên trang cá nhân anh cũng thường chia sẻ chơi golf ở nhiều sân Châu Âu và quốc tế. Theo anh, Việt Nam cần làm gì để đưa golf trở thành môn thể thao “bình dân” được nhiều người tiếp cận hơn?
Theo tôi được biết, Việt Nam mới có khoảng 60 sân golf, đa số lại xa khu dân cư… số sân golf là quá ít so với số golfers và lại không phân bố đều, bạn khó tìm được sân golf ở miền Trung. Theo tôi, muốn phát triển môn golf thì trước hết phải có thêm nhiều sân Golf, các lớp dạy phổ cập chi phí thấp; thêm vào đó là kênh truyền hình riêng bằng tiếng Việt cho môn golf, xen kẽ giữa giảng dạy và truyền hình các cuộc thi đấu. Golf là môn thể thao mà thể hình không phải yếu tố tiên quyết vì vậy người Việt Nam hoàn toàn có thể chơi tốt môn này.
PV: Anh có ý định truyền cảm hứng cho các con của mình về Golf?
Có chứ, nhất định là có! Trước hết, Golf là môn thể thao bạn có thể học được rất nhiều điều, đặc biệt trẻ con sẽ được rèn nhiều đức tính từ môn này. Thêm vào đó, cho con chơi golf tôi nghĩ có thể thay đổi cuộc đời chúng. Các giá trị, mối quan hệ và kỹ năng học được thông qua trò chơi tuyệt vời này sẽ theo chúng suốt đời.
Tôi cũng hy vọng, dạy con về golf để có thêm một người bạn chơi gôn, một người để dành thời gian vào cuối tuần cho đến cuối đời. Có rất ít môn thể thao bạn có thể tích cực thi đấu với những người khác trong nhiều thế hệ. Để đạt được điều mình mong muốn có thể mất nhiều năm học hỏi về birdie và bogey, nhưng nó rất đáng để đầu tư.
PV: Xin cảm ơn anh và cuộc trò chuyện rất thú vị, chúc anh luôn thật nhiều sức khỏe để tiếp tục duy trì niềm đam mê với nghệ thuật và với Golf!
Minh Anh